Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị toàn quốc biểu dương người có công tiêu biểu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975
(Chinhphu.vn) - Ngày 14/4, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị biểu dương người có công tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước
Kính thưa các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thân nhân các liệt sĩ
Kính thưa các vị đại biểu, các đồng chí.
Tôi hết sức vinh dự và xúc động được đứng trước những tấm gương đại diện cho hàng triệu người có công tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa xuân năm 1975- những người đã cùng viết tiếp những trang sử chói ngời của dân tộc ta, đã góp phần để cuộc đấu tranh chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập, thống nhất non sông của dân tộc ta trở thành huyền thoại. Xin trân trọng gửi tới các Mẹ, các cô bác, anh chị, các đồng chí lời chúc tốt đẹp với tất cả tình cảm kính trọng và lòng biết ơn chân thành.
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm, Tổ quốc Việt Nam ta đã bao phen phải đối mặt với thử thách cam go; với thiên tai, địch họa. Bằng đại nghĩa và sức mạnh đoàn kết vô song, bao thế hệ người Việt Nam ta đã bản lĩnh, trí tuệ, kiên cường, không quản hy sinh giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất non sông, phấn đấu vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của dân tộc Việt Nam ta và vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực, trên thế giới.
Trong năm 2015 nhiều ý nghĩa này, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước với niềm tự hào dân tộc, tấm lòng khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ, của hàng triệu đồng chí, đồng bào, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của bạn bè quốc tế; cùng thêm quyết tâm bảo vệ, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có được hòa bình, độc lập, cuộc sống bình yên - dù còn nhiều gian khó - hôm nay, biết bao người Việt Nam ta đã ngã xuống, máu thịt thấm vào lòng đất mẹ, hòa vào sông quê hương, vào biển Tổ quốc... Những người Mẹ, người Cha, người Anh, người Chị tần tảo, thân thương; những anh nông dân một nắng hai sương, hiền lành như đất; những sinh viên đầy ắp ước mơ, miệt mài đèn sách... bỏ lại sau lưng tất cả theo tiếng gọi của non sông. "Không có gì quý hơn độc lập tự do...". "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".
Những con người bình dị ấy bỗng thành huyền thoại cho dù không sinh ra để trở thành huyền thoại và càng không mong trở thành huyền thoại. Ấy là Mẹ Suốt một tay lái chiếc đò ngang; là chị Út Tịch "còn cái lai quần cũng đánh"; là những sinh viên xuống đường trong âm điệu "Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi"; là những chiến sĩ biệt động Sài Gòn xuất quỷ nhập thần; những cụ già bắn rơi máy bay; những cô gái thanh niên xung phong Ðồng Lộc, Truông Bồn; những người lính lái xe "không kính không phải vì xe không có kính"; là nữ bác sĩ những dòng nhật ký, những tiếng lòng giản dị mà cao cả, hiền dịu mà bất khuất khiến những người lính đối phương phải thốt lên "Ðừng đốt" với tất cả sự cảm phục, trân trọng vô bờ... Và rất nhiều, rất nhiều, nhiều không kể hết... Ngay những người lính xe tăng vào giải phóng Dinh Ðộc lập ngày nào hết chiến tranh lại trở về với cuộc sống rất đỗi bình thường, không kém phần vất vả...
Trong đoàn quân "tiến về đồng bằng giải phóng thành đô" năm nào, không ít người đã ngã xuống ngay trước giờ chiến thắng và nhiều người nay đã không còn... Những cuộc hội ngộ trong nụ cười và trong nước mắt... Những mái đầu bạc ôn kỷ niệm về chiến công và cả những mất mát để lớp lớp cháu con mãi lưu truyền câu chuyện của những tháng ngày lịch sử với tất cả niềm tự hào, lòng biết ơn vô hạn. Như nghe âm vang lại lời Ðức vua Trần Nhân Tông năm nào "Bạch đầu quân sĩ tại, vãng vãng thuyết Nguyên Phong". Phải chăng đó chính là sự vinh danh xứng đáng nhất với những người đã không tiếc máu xương, không tiếc tuổi thanh xuân, bỏ lại tất cả, vượt lên tất cả - kể cả tình yêu máu mủ ruột rà, tình yêu đôi lứa - vì một tình yêu lớn lao hơn: Ðất nước.
"Chiến công này là chiến công chung của cả dân tộc; của bao anh hùng, chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh". Chiến công không phải vì chúng ta khát khao chiến thắng mà vì khát khao hòa bình, khát khao hạnh phúc, khát khao bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ vẹn toàn non sông toàn một dải. Vì khát khao cao cả ấy chúng ta không quản hy sinh. Những nghĩa trang hàng hàng bia mộ - dưới đó bao người con trai, con gái chưa một lần được nắm tay người yêu. Những vết chân tròn trên cát, những vết thương cứ trở gió lại đau nhức nhối. Những người vợ chờ chồng, người mẹ mất con... Những tật nguyền do đạn bom, chất độc hóa học... Hàng triệu, hàng triệu sự hy sinh không kể hết. Có những sự hy sinh được tuyên dương, được bù đắp. Nhưng cũng có bao sự hy sinh thầm lặng, vô danh. Tất cả đã hòa trong huyền thoại, làm nên huyền thoại. Tên tuổi của họ hòa trong cái tên rất đỗi tự hào: Nhân dân Việt Nam.
Thực hiện chính sách của Ðảng và Nhà nước ta đối với người có công cùng với những chính sách an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng chính sách đúng với đạo lý uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái đã phần nào giúp cuộc sống của người có công, nạn nhân chiến tranh được cải thiện. Dù chính sách của Ðảng, Nhà nước; dù sự quan tâm của toàn xã hội có giúp người thân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công có cuộc sống tốt tới mức nào, tốt hơn những người chung quanh bao nhiêu thì chắc chắn rằng các Mẹ, các cô bác, các anh chị em... và cả anh linh các liệt sĩ cũng không vui, không bằng lòng khi thấy đất nước vẫn chưa thật sự giàu mạnh, sánh cùng năm châu bè bạn; khi thấy những người quanh mình còn nghèo khổ, khó khăn. Bởi sự hy sinh của cha anh, của các cô bác, anh chị đâu phải vì lợi ích, vì danh dự của riêng mình mà vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của cả đất nước Việt Nam mình.
Ðất nước đã thống nhất 40 năm nhưng chiến tranh và những hậu quả ghê gớm của nó vẫn còn hiện hữu. Gần nửa triệu liệt sĩ còn chưa được xác định danh tính, chưa được quy tập. Hàng triệu tấn bom mìn vẫn hàng giờ, hàng phút đe dọa tính mạng người dân. Hàng triệu người đang chịu ảnh hưởng của thương tật, của chất độc hóa học mà di chứng còn có thể tiếp tục truyền tới những thế hệ tiếp theo. Và bao nỗi đau của hầu hết mọi gia đình người Việt, đồng bào của chúng ta...
Chúng ta không quên nhưng cùng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Trong những ngày vui thống nhất này, trong sắc cờ hoa, hãy cùng hướng tâm về lá cờ đỏ sao vàng về máu đỏ da vàng. Màu cờ như máu đào bao thế hệ người Việt Nam ta đã nhuộm để đất nước được độc lập, để cháu con được sống tự do, hạnh phúc. Sao vàng năm cánh như muôn người Việt Nam ta dù ở đâu, thuộc giai tầng nào cũng đều đoàn kết keo sơn, đều chung vinh dự và trách nhiệm với non sông, nòi giống.
Hãy cùng nhau muôn người như một để xây dựng và bảo vệ thành công một nước Việt Nam Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Không có gì quý hơn độc lập tự do. Lời sông núi tự ngàn đời "Nam quốc sơn hà nam đế cư". Chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chúng ta bảo vệ điều thiêng liêng, điều quý nhất của mình đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các dân tộc khác và luôn nỗ lực để kiến tạo và bảo vệ hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện công cuộc Ðổi mới, kinh tế - xã hội đất nước đã có bước phát triển dài, có thể thấy một cách sinh động qua sự đổi thay của TP Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm qua, nền kinh tế tăng trưởng trung bình cao thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, chúng ta vẫn chưa thể theo kịp các nước trong khu vực.
Làm thế nào để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để thật sự giàu mạnh? Làm thế nào để khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém và cả những biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội, kỷ cương phép nước?... Ðó là đòi hỏi đối với thế hệ tiếp bước các Mẹ, các cô bác, là sự đền đáp công ơn của các Anh hùng liệt sĩ, của bao người đã hy sinh...
Mỗi người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên phải quyết vượt khó, quyết vượt lên chính mình. Từ suy nghĩ tới hành động, từ việc nhỏ bé đơn giản tới việc lớn lao khó khăn, phải luôn tâm niệm sao cho xứng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh. Ðể trong tim mọi người Việt Nam đều cháy bỏng ước mơ chiến thắng nghèo nàn như từng chiến thắng ngoại xâm. Ðể tài năng, sự sáng tạo và những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người bừng nở, cùng nhau góp sức đưa đất nước vượt lên. Tất cả người Việt Nam ta đều đồng lòng, chung sức thì sẽ có sức mạnh vô song, sẽ thực hiện được những điều tưởng chừng không thể như dân tộc ta đã từng thực hiện được.
Các Mẹ, các cô bác, anh chị hãy tiếp tục là tấm gương, là nguồn động lực để những thế hệ tiếp theo phấn đấu cho xứng với sự hy sinh của thế hệ cha anh. Bảo vệ và dựng xây được đất nước thật sự mạnh giàu chính là sự tri ân có ý nghĩa nhất mà các cô bác, anh chị và hương hồn các Anh hùng liệt sĩ trông đợi.
Xin kính chúc các Mẹ, các cô bác, anh chị, các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc.

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.