Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước ASEAN lần thứ 12

14:24 | 13/10/2022

(Chinhphu.vn) - Sáng 13/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước ASEAN lần thứ 12 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành giáo dục cần được tái thiết lại với những chuẩn mực mới để tăng cường khả năng thích ứng trước những thay đổi cùng những thách thức khó lường trong tương lai - Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Thưa các Quý vị và các bạn,

Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị Bộ trưởng, Trưởng đoàn giáo dục, Ngài Phó Tổng thư ký ASEAN, các Ngài Đại sứ, đại diện các nước ASEAN và các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN lần thứ 12 ngày hôm nay! Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt của ngành Giáo dục Việt Nam vì nếu tính luân phiên tổ chức trong các nước ASEAN thì 20 năm nữa sự kiện này mới lại được quay trở lại Việt Nam. Sự kiện này còn đặc biệt hơn nữa khi được tổ chức trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành giáo dục, phải chống chọi với đại dịch COVID-19 và việc học tập ở hầu hết các nước ASEAN đều bị gián đoạn.

Sau hai năm đại dịch, hôm nay chúng ta vui mừng khi thấy trường học ở hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa trở lại. Nhưng việc mở cửa trường học trở lại thôi là chưa đủ. Phải chăng, mục tiêu hàng đầu của chúng ta là cần tái thiết lại giáo dục với những chuẩn mực mới và tăng cường khả năng thích ứng cho nền giáo dục trong tương lai. Điều này được thể hiện qua chủ đề của Hội nghị năm nay, đó là: "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới".

Thưa các quý vị đại biểu,

Khu vực ASEAN hiện có quy mô kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới và được kỳ vọng trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. Cộng đồng ASEAN hiện có tổng dân số đạt gần 680 triệu người, và lợi thế về lực lượng lao động quy mô lớn, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, nhóm dân  số trẻ chiếm khoảng 1/3 dân số cả ASEAN và là lực lượng trẻ đông  đảo nhất của ASEAN từ trước đến nay, hứa hẹn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng chung của khu vực[1].

Việt Nam luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành 20% ngân sách nhà nước cho Giáo dục. Có thể nói, với tất cả các nước, giáo dục chính là chìa khóa của thành công, giáo dục có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, mà trực tiếp là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và tính cạnh tranh của khu vực. Do vậy, giáo dục luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia thành viên ASEAN và cũng là ưu tiên của Cộng đồng ASEAN; và là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN, bao gồm: phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường khả năng phục hồi của khu vực. Trong điều kiện thế giới đang thay đổi nhanh chóng, ASEAN đã xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng là để phát triển con người và vì con người.

Thưa các quý vị

Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội tại mọi quốc gia, trong đó có giáo dục, gây ra cuộc khủng hoảng học tập trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các trẻ em. Ở các nước ASEAN, trong thời gian hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 140 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh đã không được đến trường trong gần hai năm học vừa qua. Việc các trường học phải đóng cửa trung bình 136 ngày trong 18 tháng qua, tính đến tháng 5/2022, đã tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh[2]. Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động học tập của các em học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng nếu chúng ta không cùng nhau hành động ngay bây giờ.

Thông qua hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022-2023 của ASEAN, tôi tin tưởng rằng những người đứng đầu ngành giáo dục các nước ASEAN sẽ chung tay xây dựng chính sách giáo dục, trước mắt, là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Sau đó, đưa ra các chính sách cho trung và dài hạn nhằm giúp các quốc gia ASEAN ứng phó với những ảnh hướng nghiêm trọng và sự gián đoạn học tập trong tương lai bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.

Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chủ trì, thúc đẩy việc thực hiện các hành động được các Bộ trưởng/Trưởng đoàn thống nhất tại Hội nghị này phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025 góp phần phục vụ các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Cuối cùng, chúc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN lần thứ 12 và các Hội nghị có liên quan của chúng ta thành công tốt đẹp!

Chúc hợp tác giáo dục ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác ngày càng phát triển vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, mạnh mẽ và thịnh vượng!

Xin trân trọng cảm ơn./.


[1]Theo thống kê của World Population Review

[2] Đánh giá của Văn phòng UNICEF Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương-tháng 5/2022

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.