Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Hùng hậu tiến sĩ, thế giới vẫn không rõ VN đang làm gì?

11:40 | 22/07/2015

Hơn lúc nào hết, các nhà khoa học phải tiên phong, tăng cường hơn nữa đưa kết quả nghiên cứu của mình ra quốc tế thay vì cứ ngồi tận hưởng thành quả của thế giới.

Mới đây, phát biểu tại lễ  khởi động dự án Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu ấn tượng, trong đó ông nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học trong sự phát triển của một quốc gia[1]. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh “làm khoa học thì không chờ đợi, lưỡng lự”.

Có rất nhiều thông điệp ẩn chứa sau lời phát biểu súc tích này. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà khoa học nói chung, các nhà khoa học xã hội nói riêng.

Khoa học vì cái gì?

Trong hình dung của không ít người, khoa học dường như là cái gì xa xôi, trừu tượng. Nhưng thực chất, khoa học xét cho đến cùng vẫn là để phục vụ cuộc sống của đại bộ phận nhân dân. Nó phải giúp họ có thêmnhận thức, công cụ, điều kiện, cơ hội cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì thế, tính ứng dụng, khả thi, hiệu quả, bền vững của một công trình phải được coi là quan trọng hàng đầu.

Việc xác định những mục tiêu trên có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình lựa chọn vấn đề, nội dung, phạm vi, phương pháp cho từng nghiên cứu cụ thể. Điều đáng buồn là những mục tiêu tưởng chừng như căn cốt, ai cũng biết này dường như đang bị lãng quên.

Không ít luận án, đề tài nghiên cứu cứ “đua” nhau chọn những vấn đề chung chung, xáo mòn, thiếu tích thực tế, không thể ứng dụng vào cuộc sống. Điều đó thể hiện ở thực trạng có nhiều đề tài khoa học phải “xếp ngăn kéo” dù cho Chính phủ dành ngân sách 3.000 tỷ đồng mỗi năm cho nghiên cứu khoa học[2].

Nếu đọc các luận án tiến sĩ, các báo cáo đề tài khoa học các cấp, người ta dễ nhận ra có riêng một chương để “bàn luận” và “kiến nghị”. Điều đáng nói là những kiến nghị đưa ra quá chung chung đến độ có thể sử dụng chúng cho nhiều luận án, báo cáo sau này. Hơn nữa, những kiến nghị này thường không được gửi đến địa chỉ cụ thể, cứ như thể tác giả đang kiến nghị với… chính bản thân.

Khoa học xét cho đến cùng vẫn là để phục vụ cuộc sống của đại bộ phận nhân dân. Ảnh minh họa. Nguồn: Vnu.edu.vn

Khoa học phải làm ra tiền

Đúng là với KHXH, việc “lượng hóa” những đóng góp cụ thể cho xã hội không dễ, bởi chúng cần thời gian kiểm chứng. Đã có nghiên cứu chỉ được ghi nhận giá trị sau hàng chục năm. Đây là thực tế chung trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ được quyền sao nhãng trách nhiệm đối với khả năng ứng dụng từ các nghiên cứu của chính mình. Tiền ngân sách là tiền thuế của dân được dùng để chi trả cho nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ lại cuộc sống chứ không phải để “xếp ngăn kéo” hay tô hồng lý lịch khoa học của ai đó.

Sự tham gia tích cực của các nhà khoa học vào dự án phát triển là vô cùng cần thiết. Nó vừa giúp cải thiện thu nhập cho họ, vừa giúp ích cho cộng đồng, đất nước. Điều đáng buồn là số lượng nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu ứng dụng dạng này chưa nhiều. Nguyên nhân đa phần là do họ quá “kinh viện”, dẫn đến tình trạng “thừa chuyên gia, thiếu chất xám” như báo chí từng chỉ ra.

Các nhà khoa học cũng cần chủ động, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong và ngoài nước  hay “chào hàng” thành quả nghiên cứu của mình tới khách hàng tiềm năng thay vì thụ động chờ đợi ngân sách từ nhà nước. Một nhà khoa học giỏi hiện nay phải biết tự tìm kiếm nhà tài trợ, đưa kết quả nghiên cứu của mình ra thị trường, chứ không chỉ đơn thuần giam mình trong thư viện, ngủ vùi trên những báo cáo phủ bụi cùng năm tháng.

Khoa học không có biên giới

Một nền khoa học phát triển nhất thiết phải được thế giới biết đến và cách cụ thể nhất là số lượng công trình in trên các tạp chí, nhà xuất bản có uy tín quốc tế. Thế nhưng, kết quả một cuộc điều tra cho thấy, trung bình một năm, các nhà khoa học nước ta chỉ có 345 công trình được in trên các tạp chí quốc tế, trong khi tỷ lệ bài được trích dẫn cũng rất thấp[3].

Đặt con số này bên cạnh “lực lượng” hùng hậu các tiến sỹ, các cơ sở nghiên cứu khoa học nước nhà người ta không thể không hỏi họ đang làm gì? Không khó để tìm nhiều vị đến lúc cầm sổ hưu vẫn chưa có nổi một công trình in ở nước ngoài dẫu rằng đã chủ trì, tham gia hàng chục đề tài, dự án…

Đứng ngoài xu thế hội nhập khiến chúng ta tụt hậu với nền khoa học chung của nhân loại, khiến bên ngoài cũng không hiểu ta đang làm gì, ở đâu. Hơn lúc nào hết, các nhà khoa học phải tiên phong, tăng cường hơn nữa đưa kết quả nghiên cứu của mình ra quốc tế thay vì cứ ngồi tận hưởng thành quả của thế giới. Có thế, họ mới phải nghiêm túc hơn với chất lượng nghiên cứu của bản thân.

Để khoa học không chờ đợi…

Ở chiều kích khác, Chính phủ cũng cần sớm dỡ bỏ các quy định không còn phù hợp liên quan đến giới hạn ngân sách, thủ tục thanh quyết toán, quy trình phê duyệt, giới hạn đối tượng, loại bỏ tiêu chí phẩm hàm hay tư tưởng bình quân chủ nghĩa…

Điều đó sẽ giúp các nhà khoa học đỡ phải nói dối trong việc hoàn thiện các thủ tục tài chính, hành chính như hiện nay[4]. Thêm vào đó, tính minh bạch, công bằng, hiệu quả, thực tế, thiết thực của các nghiên cứu khoa học sẽ được cải thiện, có đóng góp cụ thể, hữu hình vào sự phát triển, hội nhập của nước nhà.

Nếu cơ chế cứ buộc các nhà khoa học dàn hàng ngang cùng tiến, đi theo những lối mòn cũ kĩ, nền khoa học của chúng ta sẽ mãi chỉ lầm lũi đi bộ sau những bước chạy nước rút của các nền khoa học trên thế giới.

Nguồn: Vietnamnet/Nguyễn Công Thảo

-------

[1] Khởi công Dự án Tổ hợp Không gian khoa học tại Bình Định, Dân trí, 20/07/2015. 
[2] 3.000 tỉ/năm cho nghiên cứu khoa học: Nhiều nghiên cứu... xếp xó, Thanh niên, 12/06/2015. 
[3] Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô, Nghiên cứu văn hóa số 6, huc.edu.vn.
[4] Khi nhà khoa học không còn phải nói dối, Tiền phong, 16/7/2015.
Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.