Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Đổi mới giáo dục: Thi cử và tự chủ đại học

11:23 | 07/04/2015

Qua một năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cho thấy những thay đổi trong thi cử, vốn được chọn là khâu đột phá, chỉ là một trong nhiều việc mà ngành giáo dục đang làm.

Trường ĐH Tài chính - marketing và Trường ĐH Hà Nội là hai trường vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017. Ảnh: tuoitre.vn

Có thể nói dù còn điểm này điểm khác nhưng phần lớn dư luận xã hội, người dân thời gian qua đã đồng thuận với những quy định đổi mới về thi cử của Bộ GD-ĐT.

Từ việc tổ chức bốn đợt thi (tốt nghiệp THPT, đợt 1 và đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, kỳ thi tuyển sinh CĐ) nay giảm xuống còn một kỳ thi THPT quốc gia, không chỉ tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng cho xã hội mà còn đáp ứng các yêu cầu cơ bản, đảm bảo quyền cũng như nguyện vọng học tập và thi cử của mọi học sinh trong cả nước.

Hiệu ứng tích cực cho giáo dục phổ thông

Trong đó, học sinh và gia đình đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm tốn kém cho xã hội, từng bước hội nhập với cách thức tổ chức học và thi của các nước tiên tiến trên thế giới.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng tích cực đẩy nhanh xây dựng đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hướng tách bạch giữa chương trình và sách giáo khoa.

Mục tiêu của đề án nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức - trí - thể - mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Với việc xây dựng đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang được tích cực triển khai, hi vọng Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của chuyên gia, nhà giáo dục, các giáo viên để xây dựng được hệ thống chương trình, sách giáo khoa hiện đại, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh đó, những đề án tập huấn cho giáo viên phương pháp giảng dạy mới theo hướng tích hợp, đào tạo lại giáo viên; xã hội hóa giáo dục, đào tạo, dạy nghề; phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông; đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho cơ sở giáo dục... cần tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm tiếp theo.

Trường ĐH được chủ động hoàn toàn về lập đề án tự chủ

Không chỉ trong giáo dục phổ thông mà những ngày đầu năm 2015 đã ghi nhận hiệu ứng tích cực từ giáo dục ĐH.

Những nét mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã cho phép các trường ĐH tự chủ hoàn toàn trong việc tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau.

Và đặc biệt, việc triển khai nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017 đã khuyến khích các trường xây dựng đề án tự chủ với mức học phí cao, chủ động xây dựng chương trình/ngành đào tạo chất lượng cao, thu học phí tương ứng.

Qua đó tạo được sinh khí mới, bước chuyển quan trọng cho giáo dục ĐH khi các trường được tự chủ toàn diện về chuyên môn, bộ máy tổ chức và cơ chế tài chính.

Đổi mới giáo dục là một quá trình lâu dài, không phải là việc làm trong một thời gian ngắn, trong một thời điểm là xong.

Bởi vậy, những gì ngành giáo dục đã làm, đang làm và sẽ làm phải trên tinh thần cầu thị, khoa học, thận trọng từng bước, có lộ trình nhưng phải quyết tâm, quyết liệt, không thể cầm chừng.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, sau hơn 2 năm không thể triển khai thực hiện tự chủ ĐH một cách đầy đủ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính thì với nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, từ 4 trường ĐH đăng ký tự chủ ban đầu, đến nay đã có 11 trường xây dựng đề án xin tự chủ.

Đây là những trường đã được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, đủ điều kiện để tự chủ hoàn toàn. Có thể nói nghị quyết 77 tạo nên động lực mạnh mẽ để giáo dục ĐH phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

“Thực tế có một số trường ĐH muốn tự chủ song lại đang chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT hoặc bộ chủ quản. Tuy nhiên, nghị quyết 77 đã quy định rất đầy đủ và rõ ràng để các trường đăng ký thực hiện tự chủ, nên không cần thông tư hay văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Bộ GD-ĐT khuyến khích tất cả các trường đáp ứng các yêu cầu hoàn toàn có thể xây dựng và trình đề án thực hiện tự chủ” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ) Chu Đức Nhuận cho biết: các trường ĐH công lập được chủ động hoàn toàn về lập đề án tự chủ gửi lên Văn phòng Chính phủ để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trong đó có bộ chủ quản để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thời gian qua, một số trường ĐH công lập đã xây dựng đề án theo trình tự trên và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xin nhắc lại quan điểm của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần chia sẻ việc đổi mới giáo dục, đào tạo phải từ hệ thống giáo dục - chương trình - sách giáo khoa - phương pháp giảng dạy - kiểm tra đánh giá - quản lý giáo dục. Bộ GD-ĐT đã chọn điểm đột phá là đổi mới thi cử, nhưng không có nghĩa là những nhiệm vụ khác chưa thực hiện mà vẫn phải làm song song.

(Theo Tuổi trẻ TPHCM)

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.