Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Bách khoa Toàn thư: Kết tinh giá trị Việt, tri thức Việt

17:45 | 18/06/2015

(Chinhphu.vn) - Chủ trì phiên họp thứ nhất Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam, sáng 18/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng, nhấn mạnh bộ sách phải thể hiện những tri thức về đất nước, dân tộc và con người Việt Nam với truyền thống văn hiến mấy nghìn năm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp thứ nhất Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đề cập đến các bộ bách khoa toàn thư đã được biên soạn tại các nước châu Âu, Mỹ cách đây hàng trăm năm cũng như tại Trung Quốc, Nhật Bản từ hàng chục năm trước, Phó Thủ tướng khẳng định: Việt Nam cần, có thể và phải sớm biên soạn một bộ Bách khoa Toàn thư tổng hợp cỡ lớn nhằm giới thiệu một cách toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay…

Tiêu chí quan trọng: Dân tộc, khoa học, đại chúng

“Làm sao để bộ sách phải là tri thức cơ bản về Việt Nam, đặc biệt là tri thức ứng dụng cho đất nước, đúng theo quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với các tiêu chí là dân tộc, khoa học, hiện đại, hệ thống và đại chúng. Bộ sách không chỉ làm cho các nhà khoa học, mà làm cho toàn dân với những tri thức cơ bản, nhưng cũng không được để các nhà khoa học chuyên sâu không hài lòng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Dẫn lại sự phát triển mạnh mẽ của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia trên mạng Internet, chỉ tính riêng những bài viết bằng tiếng Việt đã có hơn 1,133 triệu bài và trên 445.000 thành viên tham gia, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có cách tiếp cận mở, cập nhật xu thế khoa học, công nghệ mới trong biên soạn, cả cộng đồng cùng nhau góp sức để có một bộ bách khoa toàn thư xứng tầm, thực sự mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng.

Phó Thủ tướng so sánh: Bộ Từ điển Bách khoa trước đây chúng ta làm trong 15 năm ra được 4 tập với 40.000 mục từ. Với bộ Bách khoa Toàn thư lần này, chúng ta định làm 36 tập, khoảng 1.000 trang 1 tập giống như Từ điển Bách khoa trước đây, nhân theo số mục từ, chắc chắn vẫn nhỏ hơn hơn số bài trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bằng tiếng Việt. Chúng ta có huy động 2.000 nhà khoa học cho Bách khoa Toàn thư thì cũng sẽ ít hơn số lượng gần nửa triệu thành viên tự nguyện tham gia thực hiện bộ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bằng tiếng Việt hiện nay. Vì vậy, Hội đồng biên soạn Bách khoa Toàn thư cần phải huy động, kết nối với những người hiện nay đang tình nguyện biên soạn bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “mà trong đó cũng có rất nhiều người là nhà khoa học, nhà quản lý”.

Phó Thủ tướng lưu ý, hội đồng xem xét, nghiên cứu phương thức biên soạn"trực tuyến" Bách khoa Toàn thư Việt Nam ngay từ đầu bằng cách đăng tải các mục từ được biên soạn lên cổng thông tin điện tử, diễn đàn mở trên mạng để ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định từ các nhà khoa học, nhà quản lý và tất cả những người quan tâm đến việc biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam ở trong và ngoài nước.

“Đây là công việc khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta làm được. Nếu chúng ta làm đúng và làm tốt, thì đây là vinh dự vô cùng lớn đối với tất cả những thành viên tham gia việc biên soạn. Nhưng nếu chúng ta làm không đúng và không tốt thì trách nhiệm không chỉ với con cháu, lịch sử, mà ngay cả bản thân mình nữa, cũng sẽ vô cùng nặng nề”.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Quy tụ các nhà khoa học trong việc biên soạn

Trong lễ ra mắt Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, chia sẻ vinh dự và trách nhiệm nặng nề khi tham gia công việc này.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thử nghiệm xây dựng khung mẫu cho 1 cuốn bách khoa toàn thư có tính chất thí điểm, làm rõ nguyên tắc, nội dung, cách thức biên tập một mục từ... và đã thấy ngổn ngang rất nhiều vấn đề, từ việc phân biệt giữa từ điển mang tính chất giải thích, giải nghĩa (từ điển thông thường) với từ điển mang tính chất tra cứu (từ điển bách khoa), đến cơ cấu số lượng các mục từ về Việt Nam và thế giới.

“Bách khoa Toàn thư của Việt Nam phải là tri thức, văn hóa, trí tuệ, tư tưởng của Việt Nam. Nhưng khi nêu từ mục của cuốn mẫu thì phần mục từ thế giới nhiều gấp 3 lần mục từ của Việt Nam…”, ông Thắng cho biết.

Dự kiến, Hội đồng cần thành lập 35 Ban biên soạn chuyên ngành với đội ngũ nòng cốt gồm khoảng 2.000 nhà khoa học thuộc tất cả các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, xã hội và nhân văn, đối ngoại, quốc phòng, an ninh…

Hội đồng Biên soạn sẽ họp phân công trách nhiệm rất rõ của mỗi người đảm nhận từng lĩnh vực và đây là cơ sở để quy tụ các nhà khoa học khác theo các nhóm vấn đề và các chuyên ngành khoa học.

Mỗi nhà khoa học có thể đảm nhận một vài mục từ, để đảm bảo tính chất cơ bản, cốt lõi, sâu sắc của những điều được nêu ở trong Bách khoa Toàn thư, tránh dàn trải.

Đình Nam

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.