Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mới

17:40 | 11/06/2014

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khẳng định việc biên soạn SGK mới sẽ được xã hội hóa tới mức cao nhất có thể.

Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là nội dung được nhiều đại biểu QH đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn sáng 11/6.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong quá trình triển khai biên soạn chương trình mới, SGK mới, Bộ GDĐT xác định cần có giải pháp then chốt là nhanh chóng tiếp cận và làm chủ phương pháp thiết kế chương trình theo lối phát triển năng lực, làm sao tập hợp được đội ngũ các chuyên gia giỏi nhất, sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế để soạn thảo được chương trình này; làm thế nào để viết được bộ SGK mới theo hướng tiếp cận năng lực mới hoàn toàn. 

Cách làm của những lần trước là Bộ GDĐT đứng ra biên soạn chương trình, sau đó là biên soạn thẩm định và tổ chức triển khai thực hiện bộ SGK mới. Tuy nhiên, lần này có những điều kiện thuận lợi hơn, nên Bộ GDĐT đang cân nhắc việc xây dựng một bộ chương trình tốt, hoàn chỉnh, sau đó cân nhắc, công bố rộng rãi và huy động các lực lượng xã hội tham gia vào viết SGK mới. 

Theo đó, Bộ sẽ xây dựng một bộ khung chương trình chuẩn, trong đó quy định các nội dung cơ bản, các tiêu chí đánh giá chất lượng học sinh mà các bộ SGK phải đảm bảo. Như vậy việc biên soạn SGK lần này sẽ không phải độc quyền do Bộ chủ trì thực hiện, triển khai mà sẽ có sự tham ra rộng rãi của các tổ chức cá nhân để phát huy trí tuệ tập thế.

“Việc này còn đang trong quá trình thảo luận ở Bộ, chúng tôi cũng đã báo cáo sơ bộ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhận được sự đồng tình với việc triển khai theo hướng này, sẽ cân nhắc kỹ hơn, sau đó Bộ GDĐT sẽ trình bày tại Ủy ban quốc gia về đổi mới căn bản GDĐT, Hội đồng Giáo dục quốc gia và phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở đó hoàn thiện, cân nhắc và báo cáo Thủ tướng”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Còn hiện tại, ngành GD cũng đang tập trung huy động nguồn lực từ các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học cùng rà soát giảm tải chương trình học, cập nhật nội dung những kiến thức mới, loại bỏ những kiến thức xa rời cuộc sống trong SGK phù hợp với đổi mới thi cử.

Trong nhiều hội thảo gần đây mặc dù không tuyên bố rõ ràng về phương án một chương trình, nhiều bộ SGK, nhưng với định hướng xây dựng chương trình khung với bộ tiêu chí kiến thức chuẩn mà Bộ đang tiến hành thì khả năng cho phép tồn tại nhiều bộ SGK là hoàn toàn để ngỏ.

Và nếu điều này xảy ra, thì ai cũng có thế tham gia viết SGK, miễn là bộ sách đó phải đáp ứng các tiêu chí cơ bàn là những nội dung khung chương trình đã quy định. Còn trình bày, thực hiện như thế nào để kiến thức, kỹ năng được truyền thụ tốt nhất, giúp các em học sinh tiếp nhận nhanh và hiệu quả nhất, đó là thế mạnh riêng của mỗi bộ SGK.

Nguyệt Hà

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.