Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Không thể bỏ ngỏ việc quản lý chất lượng nước tại các khu chung cư

20:12 | 04/07/2014

Hàng vạn hộ gia đình sinh sống tại các khu chung cư, khu đô thị không thể chắc chắn nước sinh hoạt tại nơi sinh sống có đảm bảo chất lượng hay không khi mà các kết quả kiểm tra chất lượng nước của Ban quản lý các khu chung cư, đô thị đó không phải báo cáo với bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước nào.

Bể chứa nước sinh hoạt dẫn đến các hộ dân tại khu đô thị Nam Đô. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra chất lượng nước sạch tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Tại Hà Nội, Bộ Y tế đã lấy 196 mẫu nước (trong đó có 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình). Kết quả cho thấy có 5/107 chỉ tiêu (theo QCVN 01/2009) của một số nhà máy, trạm cấp nước không đạt. Bộ đã yêu cầu các nhà máy nước, trạm cấp nước này phải khẩn trương khắc phục vi phạm, đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội dừng hoạt động 1 trạm cấp nước do nồng độ Asen trong nước cao gấp 4 lần ngưỡng cho phép.

Hiện, Hà Nội có 7 Công ty nước sạch với 17 nhà máy và 6 trạm cấp nước tập trung. Trong đó, có 42,1% hộ gia đình sử dụng nguồn nước từ những nhà máy, trạm cấp nước này. Riêng khu vực nội thành, khu vực lân cận và thị xã Sơn Tây sử dụng nguồn nước từ các nhà máy nước và trạm cấp nước này chiếm 96,1% hộ dân.

Trong khi đó, đến nay, TPHCM vẫn chưa có các kết quả xét nghiệm.

Khó kiểm tra chất lượng nước đến nơi cấp

Tại khu đô thị Nam Đô, quận Hoàng Mai (Hà Nội), theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt tại Khu đô thị này bị ô nhiễm nghiêm trọng, ngày 2/7, Bộ Y tế đến lấy mẫu và xét nghiệm nhanh 15 mẫu nước sinh hoạt tại bể mái của các tòa nhà CT1A, CT1B cùng một số mẫu nước trong hộ gia đình của khu đô thị.

Kết quả cho thấy, tất cả 15 mẫu đều không đạt các chỉ số Clo dư và Pecmangannat. Đại diện Ban Quản lý khu đô thị Nam Đô cũng thừa nhận, trong quá trình tự lấy mẫu kiểm nghiệm cũng thấy chất lượng nước đầu nguồn (nước nguyên liệu vào đến đồng hồ tổng) thì đảm bảo nhưng nước trong bể chứa (cấp đến các hộ dân) thì lúc đạt, lúc không.

Ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội- đơn vị cung cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị Nam Đô cho rằng, trường hợp nước không đạt quy chuẩn quốc gia tại khu đô thị Nam Đô là bài học đối với Công ty.

Ông Hải lý giải, Công ty luôn xác định đây là ngành sản xuất sản phẩm đặc thù, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân, vì vậy quy trình khai thác và sản xuất nước của Công ty luôn tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, chất lượng, lưu lượng, áp lực, thậm chí là đảm bảo duy trì cấp nước.

Hiện, 13 nhà máy và 1 trạm cấp nước của Công ty vẫn thường xuyên kiểm tra chất lượng nước 4 lần/tuần, ngoài ra còn kiểm tra đột xuất, vì vậy, chất lượng nước của Công ty luôn đảm bảo đúng quy chuẩn.  

“Thực tế, đợt kiểm tra đột xuất vừa rồi của Bộ Y tế đã chứng minh điều này. Tuy nhiên, khi nước về đến các hộ dân thuộc khu đô thị Nam Đô, kết quả kiểm tra của Bộ  Y tế phát hiện một số chỉ tiêu nước không hợp quy chuẩn. Mặc dù Bộ Y tế đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án Nam Đô tiến hành ngay việc thau rửa bể chứa ngầm và bồn chứa trên nóc các tòa nhà để khắc phục tình trạng trên, nhưng Công ty cũng nhận trách nhiệm và coi đây là một bài học trong quản lý cấp nước”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng việc quản lý nước sinh hoạt hiện nay tại các khu đô thị trên địa bàn Hà Nội còn nhiều bất cập, khiến công tác khắc phục một số vi phạm về chất lượng nước không được triển khai khẩn trương, gây bức xúc cho người dân.

Cụ thể, khi nhận được thông tin chất lượng nước sinh hoạt tại Khu đô thị Nam Đô bị ô nhiễm nghiêm trọng, Công ty đã khẩn trương xuống tận nơi để kiểm tra. Tuy nhiên, việc phối hợp với Ban quản lý khu đô thị không được tốt, khiến công tác khắc phục những vi phạm còn hạn chế.

Vì thực tế, về mặt quản lý Nhà nước, nếu các khu chung cư do thành phố xây dựng cho các hộ di dân thì Công ty Nước sạch Hà Nội sẽ phải quản lý từng hộ và chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như dịch vụ cung ứng nước tới từng hộ.

Còn đối với các khu chung cư nằm trong các dự án phát triển tòa nhà thì Ban quản lý tòa nhà sẽ quản lý toàn bộ hệ thống tòa nhà đó, từ hệ thống chiếu sáng, hệ thống chữa cháy, hệ thống nước sinh hoạt… “Vì vậy, Công ty không thể tự nhiên vào các khu đô thị đó để kiểm tra nước. Và thực tế, có lần Công ty đã đến 1 tòa nhà để kiểm tra nhưng không được Ban quản lý tòa nhà cho phép”, ông Hải phân trần.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý khu đô thị Nam Đô cho biết, Ban quản lý khu đô thị vẫn thực hiện kiểm tra thau, rửa bể chứa nước theo định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/lần. Kết quả kiểm tra sẽ do Ban quản trị tòa nhà họp và thông báo trực tiếp tới các hộ dân mà không phải báo cáo với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào về việc này.

Từ thực tế trên, có thể nhìn ra công tác quản lý cấp nước và kiểm tra chất lượng nước của toàn bộ các khu đô thị khác. Vấn đề đặt ra là nếu không có kiểm tra, giám sát tại các khu đô thị này thì ai chứng minh được chất lượng nước về đến các hộ gia đình đảm bảo an toàn. Đặc biệt, cán bộ của Ban quản lý các khu đô thị đó không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý nước sạch thì làm sao có thể làm đúng theo quy chuẩn, trong khi người dân vẫn hằng giờ, hằng ngày phải sử dụng nước đó để ăn uống, sinh hoạt vì đó là nhu cầu không thể thiếu.

Cần có cơ chế phối hợp kiểm tra để đảm bảo chất lượng nước an toàn từ đầu nguồn đến cuối nguồn. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Tăng cường quản lý việc cấp nước

Theo UBND TP Hà Nội, chất lượng nước tại tất cả các nhà máy trên địa bàn TP đều được kiểm tra định kỳ, trong đó các chỉ tiêu A (các xét nghiệm đơn giản mà các Công ty nước sạch có thể tự thực hiện) thường xuyên được làm xét nghiệm 4 lần/ tuần.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bên cạnh việc các công ty tự nội kiểm như trên, UBND TP Hà Nội cần quan tâm đầu tư cho hệ thống cấp nước, hệ thống đường ống dẫn nước. “Vì thực tế kiểm tra, Bộ có phát hiện một số chỉ tiêu nước không đạt chuẩn tại các khu vực có hệ thống đường ống đã làm từ lâu. Do đó, TP cần có các giải pháp như thay đường ống mới hoặc kiểm tra thường xuyên chất lượng đường ống này để tránh ảnh hưởng từ các mấu nối bằng chì của đường ống có thể lẫn vào nước sạch”, Thứ trưởng Long cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội đặc biệt lưu ý quản lý trách nhiệm đối với công tác cấp nước và đảm bảo chất lượng nước tại các khu chung cư, khu đô thị thuộc các dự án phát triển nhà. Đồng thời, Sở Xây dựng và các công ty cung cấp nước sạch phải tiến hành kiểm tra thường xuyên và có cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát nước sạch từ đầu nguồn (nước đến các đồng hồ tổng) đến cuối nguồn (nước đến các hộ dân). Lấy khu đô thị Nam Đô là một ví dụ để rút ra kinh nghiệm trong quản lý cấp nước và đảm bảo chất lượng nước đối với các khu chung cư, khu đô thị khác.

Các kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước cũng cần được thông báo kịp thời tới người dân, đặc biệt chỗ nào chất lượng nước chưa đảm bảo, các công ty nước sạch, Ban quản lý các khu đô thị cần thông báo chân thực tới các hộ dân, đồng thời nhanh chóng khắc phục sự cố đó.

Đặc biệt, để quản lý tốt chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt của người dân, ngay sau khi kiểm tra chất lượng nước tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương gửi Báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng nước tại các khu đô thị trên địa bàn bằng văn bản về Bộ trước ngày 10/7/2014.

                                                                                                                                           Thúy Hà

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.