Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Đổi mới CT, SGK: Quan trọng là cách thực hiện

15:32 | 27/09/2014

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điều quan trọng trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là cách thực hiện.

Phiên họp sáng 27/9 của UBTVQH cho ý kiến về Đề án đổi mới CT, SGK
Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông. 

Bỏ độc quyền SGK

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết, đề án lần này sẽ đổi mới nhiều vấn đề của CT, SGK phổ thông, từ chuyển hướng dạy và học sang phát triển năng lực học sinh; đổi mới thi cử đến việc biên soạn SGK.

Bộ GD&ĐT thực hiện chủ trương một CT nhiều bộ SGK. Trong đó chỉ có CT là mang tính pháp lý (hiện nay là cả CT và SGK đều mang tính pháp lý), còn SGK là một tài liệu quan trọng cùng với các tài liệu khác để học sinh học tập.

Từ đó huy động được trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức cá nhân trong biên soạn SGK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo viên và học sinh trong sử dụng SGK và các tài liệu; bỏ độc quyền trong biên soạn SGK; phù hợp với trình độ học sinh từng vùng miền. 

Thực hiện biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT đề xuất 2 phương án. Theo phương án 1, Bộ chủ động biên soạn 1 bộ SGK, các tổ chức cá nhân khác cùng tham gia. Tuy nhiên, phương án này có thể làm các tổ chức, cá nhân e ngại không biên soạn SGK nữa, vì không muốn “đụng” vào SGK của bộ.

“Nếu Quốc hội đồng ý phương án này thì Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nói rõ việc Bộ chủ trì biên soạn 1 bộ SGK là nhằm tăng tính chủ động trong việc thực hiện CT, SGK mới. Các bộ SGK khác nếu đáp ứng tiêu chuẩn đều được khuyến khích lưu hành trong trường học”, ông Luận khẳng định.

Phương án 2 là giao các tổ chức cá nhân biên soạn, Bộ GD&ĐT thẩm định lựa chọn 1 bộ tốt nhất.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nêu rõ, sau khi Bộ GD&ĐT biên soạn bộ SGK sẽ tiến hành bán đấu giá bản quyền để các Nhà xuất bản thực hiện, kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp ngân sách nhà nước.

Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ cần khoảng 462 tỷ đồng để tập huấn cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết; thẩm định SGK. Đồng thời, cần thêm 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn…

Như vậy, tổng cộng kinh phí để triển khai đề án CT, SGK mới là là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, 504,4 tỷ đồng là ngân sách TƯ; 274,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, ông Luận cũng cho biết, có thể còn phát sinh thêm.

Lộ trình thực hiện dự kiến có 3 giai đoạn: Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng CT, SGK mới  1 (từ tháng 1/2015-tháng 6/2017); xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện CT, SGK mới, bán đấu giá bản quyền bộ SGK do Bộ thực hiện (tháng 7/2017-tháng 6/2018); triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.

Định hướng rõ ràng khi thực hiện

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, 2 lần đổi mới CT, SGK trước đây đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, song vẫn có những bất cập, cần đổi mới. Ngay cả những nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới cũng đang đặt ra vấn đề thay đổi CT, SGK. Và điều quan trọng trong  đổi mới CT, SGK lần này là cách thực hiện.

Theo đó cần phải huy động đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, tham khảo kinh nghiệm quốc tế áp dụng phù hợp vào thực tế Việt Nam, bảo đảm lần đổi mới CT, SGK này thực sự hiệu quả, khắc phục được những bất cập trước đây.

Điểm thay đổi rất mới là việc tách bạch việc biên soạn CT và SGK. Đó là sự khác biệt so với trước đây đội ngũ viết CT, SGK cơ bản là một. CT sẽ được biên soạn hết sức cụ thể, là cơ sở pháp lý để đánh giá, kiểm định chất lượng dạy và học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhấn mạnh việc đổi mới CT, SGK lần này là tiếp thu kinh nghiệm thế giới, với định hướng hết sức rõ ràng chứ không phải là chọn tất cả những gì tốt nhất, hay nhất vào thành một hệ thống tổng hợp.

Đổi mới CT, SGK phải quán triệt các nội dung, mục tiêu được nêu lên trong các Nghị quyết của Đảng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới chân-thiện-mỹ, dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học và rất nhiều các tiêu chí cụ thể.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị UBTVQH cho phép Chính phủ đưa đề án đổi mới CT, SGK ra Quốc hội. Căn cứ vào đó Chính phủ sẽ phê duyệt và thực hiện đề án với tinh thần khắc phục được căn bản những bất cập, có CT, SGK mới thực sự đáp ứng yêu cầu.

Nghiêng về phương án 1

Trình bày báo cáo thẩm tra về các nội dung dự thảo đề án đổi mới CT, SGK, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều SGK cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới CT, SGK trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả 3 cấp học.

Đề án đã liệt kê khá chi tiết các nội dung, hạng mục thuộc các khâu trong quy trình biên soạn CT, SGK phổ thông. 

Đồng tình về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện đổi mới CT, SGK, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc, dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm CT, SGK mới. Cần tổ chức đánh giá tình trạng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục. Việc triển khai đại trà CT, SGK mới cũng cần cân nhắc hợp lý.

Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học. 

Các thành viên của UBTVQH thống nhất về việc phải ban hành nghị quyết về đổi mới CT, SGK; những mục tiêu đổi mới đề cập trong đề án đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông.

UBTVQH cũng nhất trí về định hướng dạy học tích hợp và dạy học phân hóa song cần làm rõ thêm các giải pháp khắc phục đổi mới trong cơ cấu môn học, đội ngũ giáo viên... đặc biệt là trình độ quản lý của cán bộ giáo dục.

Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK nhận được nhiều ý kiến tán thành của UBTVQH. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chương trình do nhà nước ban hành, còn sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì nên giao các tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục... có đủ điều kiện biên soạn.

Ông Đào Trọng Thi đánh giá hồ sơ trình dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định; Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết cả về nội dung, hình thức theo yêu cầu; hoàn chỉnh Đề án, đặc biệt luận giải khoa học hơn những vấn đề đổi mới về CT, SGK giáo dục phổ thông lần này, để Quốc hội có đủ căn cứ xem xét ban hành Nghị quyết trong kỳ họp tới.

Nguyệt Hà-Đình Nam

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.