Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phó Thủ tướng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ĐH KHXH&NV

15:52 | 06/10/2015

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, 20 năm thành lập trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 6/10 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Đình Nam

- Kính thưa các thầy giáo, cô giáo,

- Kính thưa quý vị đại biểu,

- Thưa các bạn nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên thân mến,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của cả nước. Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi tới tập thể các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Nhà trường cùng toàn thể các đồng chí đại biểu, các vị khách quý lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

- Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, các đồng chí và các bạn,

Cách đây 70 năm, ngày 10 tháng 10 năm 1945, tức là chỉ hơn một tháng sau khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong muôn vàn khó khăn của một chính quyền cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa. Sắc lệnh thể hiện tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài, một nhà văn hóa kiệt xuất về vai trò, sứ mệnh của Khoa học Xã hội và Nhân văn đối với sự nghiệp cách mạng.

Sắc lệnh lịch sử đó đánh dấu sự ra đời của một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của hệ thống giáo dục cách mạng Việt Nam với sứ mạng nâng cao dân trí, phát huy truyền thống văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam để nước ta “theo kịp các nước trên hoàn cầu”.

Sắc lệnh đã mang tới cho các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà hoạt động xã hội, cho giới trí thức niềm tin vào tư duy phát triển, tinh thần nhân văn của chính thể mới và mở ra một giai đoạn phát triển cho sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo KHXH&NV Việt Nam.

Trong suốt 70 năm qua, Trường Đại học Văn khoa và sau này là Trường Đại học Tổng hợp, Trường ĐH KHXH&NV đã không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước về các lĩnh vực KHXH&NV.

Từ mái trường này, trên 50 nghìn cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ đã được đào tạo, đã lao động, đã cống hiến, hy sinh, vì sự nghiệp thống nhất và nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong số các sinh viên, nhà giáo từng học tập, công tác ở trường, nhiều người đã trở thành các nhà khoa học, nhà giáo, nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà quản lý nổi tiếng, có đóng góp quan trọng cho dân, cho nước.

Nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học của Nhà trường đã khơi dậy truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng; đã làm sáng tỏ và bồi đắp cội nguồn, bản sắc văn hóa của dân tộc; đã cũng cấp những sở cứ khoa học, xác thực về chủ quyền lãnh thổ quốc gia; đã kiến giải về vị thế đất nước và mối bang giao với các quốc gia, với các tổ chức khu vực và thế giới; đã góp phần phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn nói riêng cũng như nền khoa học, nền giáo dục và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Trình độ học thuật và chất lượng đào tạo của Nhà trường được xã hội ngưỡng mộ, được quốc tế đánh giá cao.

Tôi xin nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích nổi bật mà các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Nhà trường trong suốt chặng đường phát triển đầy khó khăn, thách thức, nhưng cũng rất đỗi vinh quang và đáng tự hào.

- Kính thưa các thầy cô giáo

Các đồng chí và các bạn,

Lịch sử nhân loại đã chứng minh, đã khẳng định rằng sức sống, sức mạnh, tương lai của một quốc gia, một dân tộc không chỉ là từ tiềm lực kinh tế, mà sâu xa là từ văn hóa, từ con người. Khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu và đúc kết các quy luật vận động, các mối quan hệ và cấu trúc xã hội, các vấn đề về con người và trực tiếp góp phần phát huy, phát triển văn hóa và con người.

Một trong những đặc trưng và cũng là thế mạnh của khoa học xã hội và nhân văn là luôn đồng hành, gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, với vận mệnh của quốc gia, của dân tộc.

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng và văn hiến của Dân tộc Việt Nam ta, khoa học xã hội và nhân văn, mà đại diện tiêu biểu là những bậc túc nho thông tuệ, những trí thức yêu nước đã có những đóng góp to lớn, để lại công tích và tiếng thơm cho muôn đời.

Ngày nay, đất nước chúng ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội to lớn đan xen với những khó khăn và thách thức gay gắt. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước là mục tiêu chiến lược. Để thực hiện thắng lợi được mục tiêu đó, cần phát huy đầy đủ và hiệu quả nhất sức mạnh nội sinh cả Dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Các thầy cô giáo, nhà khoa học, các sinh viên xã hội và nhân văn có sứ mệnh là những người tiên phong trong động viên thế hệ trẻ, động viên toàn xã hội phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, hun đúc tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng, quyết tâm chung sức đồng lòng để đất nước mạnh lên về mọi mặt.

Các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các sinh viên KHXH&NV cũng có sứ mệnh quan trọng góp phần để thế giới hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người Việt Nam; để những giá trị văn hóa của một Việt Nam anh hùng và văn hiến, của một Dân tộc hòa hiếu, tha thiết yêu hòa bình, công lý và luôn phấn đấu vì hòa bình, thịnh vượng, vì lợi ích chung mãi mãi tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

Một trong những trọng trách của khoa học xã hội và nhân văn là đóng góp những luận cứ khoa học để Đảng, Nhà nước xây dựng và không ngừng hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách.

Sau gần ba mươi năm thực hiện Đổi Mới, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và thế giới còn rất lớn.

Bên cạnh không ít yếu kém, bất cập về kinh tế, xã hội cần phải được nhanh chóng khắc phục, thực tiễn cuộc sống cũng đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận cần phải được nhận thức, định hướng đúng đắn kể cả về triết lý phát triển, về thể chế, về phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành. Sự kiên định, vững vàng về chính trị, tư tưởng trên nền tảng khoa học chân chính và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội chính là nhân tố bảo đảm giá trị sáng tạo và hiệu quả đóng góp của KHXH&NV vào việc giải quyết những yêu cầu bức thiết cũng như có tính căn bản, lâu dài đó.

Một trong những chức năng hàng đầu của các nhà giáo, của các nhà khoa học và cả của các sinh viên xã hội - nhân văn là trực tiếp góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu cũng như bằng việc nêu gương trong cuộc sống cần làm cho những giá trị văn hóa thấm sâu, tỏa rộng trong mọi lĩnh vực đời sống, mọi mối quan hệ xã hội; để mọi người, mỗi người đều trân trọng và luôn nỗ lực vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ; luôn đấu tranh để chiến thắng cái ác, cái xấu, cái sai trái.

Để xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì nhất định phải xây dựng con người Việt Nam trí tuệ, nhân ái và có lòng tự hào, tự tôn Dân tộc và ý thức công dân toàn cầu.

Trường Đại học KHXH&NV cùng với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn trong cả nước cần là những điểm sáng xây dựng con người Việt Nam; trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, của Nhà nước để xây dựng cho được môi trường làm việc thật sự văn hóa và nhân văn - ở đó mọi tài năng, mọi ý tưởng sáng tạo đều được nâng niu, trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất để bừng nở.

Sứ mệnh, trọng trách là rất vẻ vang, rất nặng nề và rất cần có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan khoa học lớn của đất nước như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các trường đại học, các viện nghiên cứu có uy tín - trước hết là trong nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và trong đề xuất các định hướng nghiên cứu chiến lược, định hướng nghiên cứu chuyên sâu.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hình thành, phát triển hệ thống sáng tạo, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn trí lực to lớn của các trường đại học, của ngành khoa học xã hội và nhân văn nước nhà.

Với nhận thức thực sự sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng sống còn của khoa học công nghệ - đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn, các bộ, ngành, địa phương cần có những quyết sách cụ thể của nhà nước về cơ chế và trong phân bổ nguồn lực phát triển để Trường ĐH KHXH&NV cũng như hệ thống nghiên cứu, đào tạo về KHXH&NV có được những điều kiện cần thiết để hoàn thành sứ mạng của mình.

- Kính thưa các thầy cô giáo, thưa các đồng chí và các bạn,

Trong ngày vui ý nghĩa này, thay mặt Chính phủ, tôi xin được bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ thầy giáo, cô giáo, nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, quản lý, viên chức hoạt động trong ngành giáo dục, trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp công sức, trí tuệ để phát triển nền khoa học Việt Nam, khơi dậy nguồn lực và nhân lên các giá trị nhân văn Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng ta cùng tin tưởng chắc chắn rằng, với những thành tựu to lớn và truyền thống 70 năm phấn đấu phát triển, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhất định sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành đại học nghiên cứu chất lượng cao hàng đầu ở nước ta và có vị thế ngày càng cao trong hệ thống đại học khu vực, và trên thế giới.

Xin kính chúc các thầy cô giáo, các đồng chí, các bạn sinh viên sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Chúc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

 Xin trân trọng cảm ơn!

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.