Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ khai giảng năm học 2014-2015 tại của Trường THPT Pleiku

09:42 | 05/09/2014

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ khai giảng năm học 2014-2015 của Trường THPT Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày 5/9.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thưa các vị đại biểu!

Th­ưa các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh yêu quý!

Chúng ta đều nhớ ngày 5/9/1945, Bác Hồ đã gửi Thư tới học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Với tình cảm yêu thương tha thiết và niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ, Người đã viết: “… Ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”.

Đúng 30 năm sau ngày lịch sử ấy, Trường của chúng ta được thành lập. Qua gần 40 năm, Trường đã từng bước vươn lên giành được nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ... cũng như các phong trào thi đua của ngành giáo dục ở địa phương.  

Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh, trong đó có nhiều con em các dân tộc ít người như Jrai, Bahnar… đã trưởng thành, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Chắc rằng, để có ngôi trường khang trang với bề dày thành tích như hôm nay, cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân nới đây và đặc biệt là các thế hệ thầy cô giáo, học sinh của trường ta đã phải trải qua những ngày đầu hết sức khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt.

Chắc rằng rất nhiều thầy, cô đã tới đây từ các vùng quê, từ những trường Đại học, bằng trách nhiệm, tình thương và cả tấm lòng. Nhiều người đã gửi trọn tình yêu, gửi trọn tuổi thanh xuân mình ở quê hương thứ hai này. Nhiều mái tóc đã xanh nhưng dần bạc màu trong nắng gió của đại ngàn.

Những gì mà đất nước chúng ta cũng như tỉnh ta có được ngày hôm nay là nhờ đóng góp không thể thiếu của ngành giáo dục, trong đó có các thế hệ thầy cô giáo, các thế hệ học sinh và tới đây là của các em học sinh đang ngồi ở sân trường này.

Kính thưa các thầy cô giáo và các em,

Thực hiện công cuộc Đổi Mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong xóa đói giảm nghèo, và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Vị thế của đất nước Việt Nam đã được nâng cao, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn nghèo và tiếp tục đối mặt với nguy cơ tụt hậu nếu không muốn nói là tụt hậu ngày càng xa. Đời sống, từ ăn, ở, sức khỏe tới học hành, thụ hưởng văn hóa… của không ít người dân còn rất khó khăn…

Chênh lệch về trình độ phát triển, về hạ tầng cơ sở - kể cả trường lớp, giàu nghèo vẫn hiện hữu. Nhưng cả nước ta đã có chung một chương trình, chung một SGK, chung một ngày khai trường. Dù trong một ngôi trường khó khăn, thậm chí là tranh tre nứa lá, nhưng nếu thầy trò cùng toàn tâm, toàn ý cho việc dạy và học thì kiến thức, năng lực, trí tuệ và tương lai của các em học sinh sẽ không hẳn bị thua kém. Lòng yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm của các thầy cô có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo sự bình đẳng về cơ hội và về tương lai của các em và góp phần quan trọng xóa đi chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền.

Gia Lai vẫn là tỉnh nghèo, với 34 dân tộc sinh sống rải rác ở các vùng sâu, vùng xa. Điều kiện khách quan, tự nhiên càng khó thì càng cần chú trọng tới yếu tố con người, tới sự nghiệp “trồng người”, càng cần khắc ghi và làm theo lời Bác "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt".

Mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh, chúng ta hãy cùng thi đua với quyết tâm và sự kiên trì vượt lên những khó khăn, những thói quen thường nhật – dù là nhỏ nhất, không còn thích hợp với một nền giáo dục tiên tiến để cùng cả nước thực hiện đổi mới một cách căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Hãy đừng cho rằng điều kiện khó khăn hơn thì không thể vươn lên bằng bè bạn. Các em, chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm. Quyết tâm sẽ làm cái khó ló cái khôn, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp.

Các em chắc đều nhớ cụ Mạc Đĩnh Chi, Lưỡng quốc Trạng nguyên đã làm vinh danh cho nền văn hiến của nước ta. Cụ Mạc Đĩnh Chi xuất thân vốn là con một gia đình rất nghèo, không có đèn để đọc sách, phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để làm đèn.

Còn rất nhiều những tấm gương sáng của các em vượt lên số phận, vượt qua nghèo khó để thành những học sinh giỏi.

Tôi nhớ ngay trong kỳ thi học sinh giỏi năm 2013, có 96 em là con em các dân tộc ít người đạt giải cao ở các kỳ thi toàn quốc và đã được gặp Chủ tịch nước. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm trước có cũng 5 em là con em dân tộc ít người đỗ Thủ khoa các trường đại học.

Hãy đừng ngại rằng chúng ta không ở tốp đầu thì không thể và không cần phải tiên phong đổi mới. Những quốc gia phát triển hơn chúng ta, những nơi phát triển hơn chúng ta vẫn không ngừng đổi mới để tiến lên. Chúng ta xuất phát thấp hơn, chậm hơn thì càng cần phải đổi mới mạnh mẽ. Chỉ có như vậy chúng ta mới không bị bỏ lại phía sau. Cho dù đổi mới luôn là một con đường không bằng phẳng nhưng đã xác định được hướng đi thì chúng ta phải quyết tâm vượt lên mọi khúc khuỷu, mọi gập ghềnh.

Chúng ta hãy đồng sức đồng lòng nỗ lực để cùng nhau thực hiện đổi mới, trước hết là đổi mới nền giáo dục góp phần để quê hương Gia Lai, để vùng Tây Nguyên để quê hương của những anh hùng Núp, của những Trường ca Đam-San, rừng Xà-Nu,

Bóng cây Kơ-nia, của người lái đò trên sông Pôkô… phồn vinh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, nghĩa tình; để nước Việt Nam chúng ta giàu mạnh, sánh cùng năm châu bè bạn.

Các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo hãy tiếp tục quan tâm, chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em học sinh, nhất là con em đồng bào các dân tộc ít người, con em các gia đình thuộc diện chính sách được học tập, rèn luyện, phát triển trí tuệ, tài năng để lập thân, lập nghiệp, và phụng sự quê hương, đất nước.

Ngày hôm nay tiếng trống khai trường đã vang lên tại hơn 40 ngàn ngôi trường trên toàn quốc, xin chúc các thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, và toàn thể các em học sinh, sinh viên một năm học mới.

Hãy bằng tất cả trí tuệ, nghị lực, quyết tâm để vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, cùng nhau thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, với sự thôi thúc của non sông. Để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thật giàu, thật mạnh. Để nền văn hiến ngàn năm của dân tộc Việt Nam ta mãi tỏa sáng rực rỡ trong ánh sáng của văn minh nhân loại.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.