Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu của Phó Thủ tướng tại Đại hội lần thứ V, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam

14:56 | 02/12/2014

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội lần thứ V, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, sáng 2/12.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các đồng chí,

Trước hết, tôi nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đại diện cho đội ngũ văn nghệ sĩ là con em của đồng bào dân tộc thiểu số của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và những văn nghệ sĩ tâm huyết với đề tài dân tộc và miền núi về dự Đại hội Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ V - Đại hội đầu tiên của các Hội thành viên tiến tới Đại Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Kính thưa Đại hội,

Thực hiện Đổi Mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Thế và lực của Đất nước không ngừng được tăng cường và củng cố. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đạt được những kết quả quan trọng.  Các giá trị văn hóa truyền thống của Dân tộc Việt Nam ta nói chung, của các dân tộc thiểu số nói riêng, được bảo tồn và phát huy. Nhiều giá trị được tôn vinh là Di sản thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đội ngũ những người làm công tác văn học nghệ thuật, trong đó có những những văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số không ngừng lớn mạnh.

Kế thừa truyền thống và thành tích của các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù tình hình kinh tế, xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo hoàn thành mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong tâm mà Đại hội IV đã đề ra.

Hoạt động sáng tạo và phê bình văn học nghệ thuật trong tất cả các chuyên ngành văn học, mỹ thuật, âm nhạc, múa, nhiếp ảnh, sưu tầm  văn nghệ dân gian v.v đều có chuyển biến tích cực. Công tác Hội, phát triển hội viên và chăm lo phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số, nhất là nữ văn nghệ sĩ có nhiều tiến bộ và kết quả rõ nét. 

Tôi xin trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực cùng những thành tích của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua.

Kính thưa Đại hội,

Thế giới đầy biến động với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi Quốc gia, mỗi Dân tộc phải luôn quyết tâm và thật sáng tạo để vươn lên, vượt qua thách thức, tranh thủ và tạo ra thời cơ cho mình. Không ai có thể đứng ngoài cuộc đua tranh và hợp tác trong xu thế toàn cầu hóa cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ. Chỉ có bằng bản lĩnh và trí tuệ mới có thể thắng, mới có thể không bị tụt lại phía sau.

Suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, Dân tộc Việt Nam ta đã chiến thắng bao thiên tai địch họa nhờ sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhờ tinh thần quả cảm hy sinh và trí sáng tạo vô song. Cùng một bọc sinh ra, anh em ta xuống biển, lên rừng chẳng quản gian lao đổ mồ hôi gây dựng cơ đồ, chẳng tiếc máu xương quyết giữ gìn giang sơn xã tắc. Nền Văn hiến Việt Nam, nền tảng tinh thần, cội nguồn sức mạnh được vun đắp, trao truyền qua bao thế hệ con cháu Tiên Rồng từ miền xuôi tới miền ngược, từ trong Nam ra ngoài Bắc. Hòa trong dòng chảy văn minh nhân loại, nền Văn hiến ấy mãi bừng tỏa bản sắc đậm đà được tạo bởi những sắc màu rất riêng có mà hài hòa của các Dân tộc trong Đại gia đình các dân tộc Việt Nam ta.

Dẫu còn nhiều khó khăn, dù ai cũng biết rằng đầu tư vào những nơi thuận lợi sẽ mang lại hiệu qủa kinh tế trước mắt cao hơn nhưng với tầm nhìn chiến lược và nghĩa tình đồng bào, Đảng và Nhà nước đã luôn nhất quán chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các dân tộc anh em cùng bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển… Không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất, sinh sống, chúng ta đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, thuần phong mĩ tục của các dân tộc thiểu số.

Mặc dù miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rất dài song khoảng cách với miền xuôi, đô thị vẫn còn lớn. Đời sống của một bộ phận đồng bào còn rất khó khăn. Chúng ta cần tiếp tục quan tâm và quan tâm nhiều hơn nữa để mang thành quả phát triển đến từng người dân ở khắp mọi miền. Đó cũng là nhân tố quan trọng để phát triển bền vững; để xây dựng và bảo vệ thành công một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh.

Là một phần không thể tách rời trong nền văn học nghệ thuật chung của đất nước, sự phát triển của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số minh chứng cho sức sống, cho tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số nói riêng và của Dân tộc Việt Nam ta nói chung đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn không ít bất cập đòi hỏi phải có sự tập trung ưu tiên cao hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, cần chăm lo hơn nữa công tác phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số từ đó hình thành những giá trị văn học nghệ thuật mới. 

Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với nhận thức, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và nhiều giải pháp như trong báo cáo Đại hội của Hội đã xác định.

Chúng ta cùng tin tưởng vững chắc rằng BCH và các cơ quan lãnh đạo của Hội do Đại hội V bầu ra gồm các Hội viên tiêu biểu, xứng đáng nhất để Hội phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra cho nhiệm kỳ. Hội sẽ tiếp tục có đóng góp ngày càng quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách ưu việt về dân tộc của Đảng và Nhà nước; góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; không để đồng bào các dân tộc bị chia rẽ, lôi kéo - nhất là bằng cách sử dụng văn học nghệ thuật - đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Với niềm tự hào và trách nhiệm trước Nhân dân, Tổ quốc, trước lịch sử và tương lai của Dân tộc, văn nghệ sĩ và những người hoạt động văn hóa của dân tộc hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tập hợp lực lượng, đẩy mạnh hoạt động trong các lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, lý luận phê bình, giới thiệu quảng bá trong và ngoài nước các tác phẩm văn học, nghệ thuật của dân tộc. Phấn đấu có nhiều tác phẩm chất lượng cao hơn nữa, tạo bước phát triển mới của văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, góp phần vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà, tạo nền tảng và động lực tinh thần thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Tôi hoan nghênh phương hướng và những giải pháp cụ thể mà Đại hội đã đề ra, đồng thời ghi nhận đề xuất của Hội về kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số và kế hoạch xuất bản quảng bá các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị của các tác giả là người dân tộc thiểu số. Đây sẽ là những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 33, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc và Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đề ra cho nhiệm kỳ, không ngừng lớn mạnh theo đúng tôn chỉ mục đích của mình, góp phần ngày càng quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa, công tác dân tộc, và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một lần nữa tôi xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin chúc toàn thể các vị đại biểu cùng đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số sức khỏe, hạnh phúc, đạt được nhiều thành tích trên chặng đường mới đầy hứng khởi.

Xin trân trọng cám ơn!

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 23:33 | 18/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Các nguồn khác
Tinh thần ‘Tất cả vì học sinh thân yêu” lan tỏa mạnh mẽ từ lễ khai giảng 10:34 | 06/09/2019

(Chinhphu.vn)-Hơn 22 triệu học sinh cả nước đã chính thức bắt đầu bước vào năm học 2019-2020 sau lễ khai giảng ngày hôm qua 5/9. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” ngay từ lễ khai giảng đã lan tỏa ở nhiều trường học trên cả nước.